Trong 2 ngày mở cửa, khu vực tư vấn chuyên gia và “Không gian kết nối giao thương, tương tác, trải nghiệm”(khu vực hội thảo) luôn nhộn nhịp với liên tiếp các lượt tư vấn miễn phí, cũng như đông đảo khách tham dự tại Techmart chuyên ngành Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Được sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ
TP.HCM, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ
chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) thường niên với mục tiêu thúc
đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện đưa công
nghệ mới ứng dụng vào sản xuất. Techmart chuyên ngành Công nghệ xanh,
năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp
trên địa bàn TP.HCM năm nay diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25/09/2024 tại
trục đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1.
Bên
cạnh 50 gian hàng trực tiếp, trưng bày giới thiệu hơn 100 quy trình,
công nghệ và thiết bị của nhiều nhà cung ứng đến từ doanh nghiệp công
nghệ, hiệp hội, văn phòng xúc tiến thương mại..., tại sự kiện, khách
tham dự có thể kết hợp tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp những
sản phẩm, công nghệ tại các gian hàng, đồng thời được tư vấn, giải đáp
miễn phí về công nghệ, kỹ thuật và các vấn đề liên quan ngay tại sự
kiện. Đặc biệt, quý khách còn có cơ hội tham dự chuỗi hội thảo nhằm kết
nối, chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, ứng dụng
công nghệ số và chuyển đổi số, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Toàn
bộ nội dung tư vấn tại Techmart được Ban tổ chức sắp xếp và kết nối dựa
trên những yêu cầu cụ thể trước đó hoặc yêu cầu ngay tại sự kiện từ các
đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu được tư vấn. Góp phần vào sự
thành công của sự kiện lần này phải kể đến đội ngũ 8 chuyên gia đầu
ngành trong lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi
trường đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học luôn thường trực,
trực tiếp tư vấn tại Techmart.
Khu vực tư vấn chuyên gia tại Techmart.
Liên
tục trong hai ngày 21 và 22/9, khu tư vấn Techmart đã nhận được hàng
trăm lượt tiếp cận trên các nền tảng trực tuyến như Google Meet,
livestream trên Facebook, Youtube, cũng như khách đến tham dự trực tiếp,
trong đó kết nối thành công nhiều lượt tư vấn, giải đáp thắc mắc, yêu
cầu liên quan đến các nội dung như kỹ thuật kiểm soát và công cụ quản lý
đo lường năng lượng; phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây
dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên
tiến trong xử lý hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong nước; tư vấn xây
dựng mô hình khu công nghiệp carbon thấp; tư vấn quản lý chất thải rắn
theo định hướng kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp; tư vấn về nhận dạng,
tính toán thông minh, xử lý ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản
lý sản xuất; tư vấn công nghệ tế bào nhiên liệu/pin nhiên liệu (fuel
cells) để sản xuất điện và nhiệt ít phát thải; quy trình công nghệ tổng
hợp và phân tích vật liệu nano, vật liệu thân thiện môi trường...
Khu
tư vấn với đội ngũ 8 chuyên gia của Techmart thường trực tư vấn giải
đáp miễn phí về công nghệ, kỹ thuật và các vấn đề liên quan trong lĩnh
vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường.
Cụ
thể như với yêu cầu tư vấn xử lý nước thải nhiều dầu mỡ, chuyên gia tại
Techmart tư vấn có thể hạ nhiệt dòng nước thải trước khi đi vào bể tách
dầu; bổ sung bể điều hòa giúp hạ nhiệt rồi mới đưa dòng nước thải qua
bể tách dầu. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm công nghệ tuyển nổi bằng khí
bọt giúp đẩy dầu lên dễ dàng, từ đó tách dầu hiệu quả hơn. Chuyên gia
cũng khuyến khích các đơn vị không thải bỏ dầu thải vào đường nước thải
sinh hoạt, nhằm giảm bớt lượng dầu trong nước thải.
Về
yêu cầu tư vấn kiểm kê phát thải khí nhà kính, chuyên gia tại Techmart
gợi ý doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính
phủ, có hiệu lực từ ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà
kính và bảo vệ tầng ozon. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn thuộc Phần 1 (ISO
14064-1:2018) có hướng dẫn cụ thể về việc lập báo cáo phát thải, cũng
như kiểm kê khí thải nhà kính. Cần phân biệt rõ 3 phạm vi phát thải tại
doanh nghiệp. Trong đó, phạm vi 1 là phát thải trực tiếp, phạm vi 2 là
phát thải gián tiếp và phạm vi 3 là phát thải gián tiếp không thuộc phạm
vi 2. Tốt nhất, doanh nghiệp cần cử người chuyên trách làm báo cáo tham
gia khóa học về tín chỉ carbon để hỗ trợ công việc.
Đối
với yêu cầu tư vấn về quy trình mua bán tín chỉ carbon, chuyên gia cho
biết, theo lộ trình tại Việt Nam, dự kiến sẽ thành lập và tổ chức vận
hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025, đồng thời,
triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát
triển thị trường carbon. Giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy
định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí
nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín
chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon
trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù
trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp
luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giai đoạn từ năm 2028
sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, bên cạnh
đó, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước
với thị trường khu vực và thế giới.
Theo
Ban tổ chức, sau sự kiện, CESTI sẽ tiếp tục đồng hành cùng chuyên gia
tư vấn sâu hơn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thực hiện kỳ vọng đi
đến kết nối, chuyển giao công nghệ thành công sau Techmart. Các chuyên
gia, tổ chức hỗ trợ có thể xuống hiện trường tại địa phương để khảo sát,
giải quyết nhanh bài toán sản xuất thực tiễn. Từ đó, giúp hoạt động
thương mại hóa công nghệ ngày càng có hiệu quả, gắn liền kết quả nghiên
cứu khoa học và công nghệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, góp phần vào
phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Đến
với Techmart chuyên ngành Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý
môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2024
không thể bỏ qua phần hội thảo trình diễn công nghệ, một trong 3 hoạt
động chính tại các kỳ Techmart. Khu vực hội thảo Techmart lần này với 13
chuyên đề diễn ra liên tục, giới thiệu nhiều tham luận khoa học từ
chuyên gia và các hội thảo giới thiệu công nghệ từ phía doanh nghiệp.
Chuỗi 13 hội thảo còn được phát livestream trên Facebook của Sở Khoa học
và Công nghệ TP.HCM, nhằm tạo thuận lợi cho những khách không thể đến
tham dự trực tiếp. Với hình thức này, khách mời có thể xem lại bất kỳ
hội thảo nào đã diễn ra mà mình quan tâm (xem lại
TẠI ĐÂY).
Tại
hội thảo “Robot cộng tác (Cobot Universal Robots) và ứng dụng trong nhà
máy sản xuất”, bà Hà Thị Quế Lan (Giám đốc chiến lược - Công ty Cổ phần
Công nghệ Hợp Long) nhận định, các phương thức sản xuất truyền thống
đang dần bị thay thế bởi robot, không chỉ ở phần “cơ bắp” mà đã mở rộng
sang cả tư duy logic. Sử dụng robot công nghiệp, cánh tay robot công
nghiệp trong sản xuất không những tối ưu hóa hiệu quả cho doanh nghiệp
và kiểm soát quá trình vận hành mà còn nâng cao năng suất trong các nhà
máy, đồng thời giảm thiểu lượng nhân công tham gia. Thêm vào đó, sản
phẩm có thể được áp dụng trong bất kỳ ngành công nghiệp nào, với đa dạng
quy trình và nhân viên điều phối. Đáng chú ý, cánh tay robot mang lại
cho doanh nghiệp nhiều lợi ích vô cùng to lớn như: các chức năng an toàn
có khả năng cộng tác; lập trình đơn giản & triển khai nhanh chóng;
triển khai linh hoạt; giá cả phải chăng, hoàn vốn nhanh; chiếm ít không
gian hoạt động...
Với
chuyên đề “Giải pháp hoạch định và kiểm soát nguồn lực 4M (nguyên vật
liệu, quy trình sản xuất, máy móc, nhân công) trên hệ thống ASOFT-ERP”,
ông Lê Văn Toại (Cố vấn doanh nghiệp – Công ty Cổ phần ASOFT) cho biết,
hệ thống hoạch định nguồn lực ASOFT-ERP là nền tảng giúp doanh nghiệp
bắt kịp xu thế chuyển đổi số và phát triển bền vững, thông qua việc giúp
doanh nghiệp ngành chế khí quản trị tổng thể các hoạt động của mình từ
đầu vào tới đầu ra như: quản lý sản xuất, quản lý mua hàng và cung ứng,
quản lý hàng hóa và kho, quản lý tài chính kế toán, quản lý quan hệ
khách hàng, quản lý bán hàng, quản lý nhân sự – tính lương, quản lý công
việc – khối văn phòng,... Qua đó tối ưu hóa các nguồn lực và gia tăng
tính cạnh tranh trong ngành.
Giải
pháp bao gồm các module chính: quản lý sản xuất; quản lý chất lượng
(QA/QC); quản lý kho; quản lý mua hàng; quản lý bán hàng; quản lý quan
hệ khách hàng; quản lý kế toán; quản lý nhân sự; văn phòng điện tử;
ASOFT SupPer App. Giải pháp được xây dựng dựa trên một số trường hợp
thực tế của các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành, có khả năng tùy biến
theo đặc thù riêng của từng doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều ưu điểm
như vận hành đồng bộ, cập nhật thông tin thời gian thực trên một hệ
thống duy nhất; quản trị tổng thể kết nối hơn 20 phân hệ chuyên môn,
nghiệp vụ sâu; đa nền tảng web/mobile/desktop; tích hợp các công nghệ
mới như nhận diện khuôn mặt, xử lý hình ảnh, thiết bị IoT (internet vạn
vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu lớn; hệ thống API (giao
diện lập trình ứng dụng) phong phú, kết nối dữ liệu đa kênh, đa thiết
bị; giao diện khoa học, đơn giản, hướng đến tính thực dụng, không nặng
về hình thức.
Về
“Giải pháp kiểm soát kế hoạch sản xuất trong nhà máy thông minh 4.0 -
Smart Factory”, ông Nguyễn Khánh Duy (Giám đốc Kinh doanh – Công ty Cổ
phần Giải pháp Doanh nghiệp Toàn Cầu) chia sẻ, trong thời đại chuyển đổi
số, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận thức được tầm quan trọng của
việc ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý. Tuy nhiên, thách thức của
họ chính là tìm ra những giải pháp phù hợp với đặc thù của ngành hàng
và phải có chi phí đầu tư ở mức tối ưu. Song song đó, các phần mềm quản
lý của nước ngoài chưa thật sự tương thích với mô hình kinh doanh ở Việt
Nam và chi phí triển khai vượt quá ngân sách cho phép của doanh nghiệp.
Hiểu được điều này, Toàn Cầu đã phát triển nhiều giải pháp nhằm giúp
doanh nghiệp tối ưu vận hành và tạo đột phá từ việc ứng dụng các công cụ
quản lý tiên tiến.
Ông
Nguyễn Khánh Duy (Giám đốc Kinh doanh – Công ty Cổ phần Giải pháp Doanh
nghiệp Toàn Cầu) trình bày tại hội thảo “Giải pháp kiểm soát kế hoạch
sản xuất trong nhà máy thông minh 4.0 - Smart Factory”.
Trong
đó, giải pháp kiểm soát kế hoạch sản xuất trong nhà máy thông minh 4.0 -
Smart Factory (SalesUp Smart Factory) là hệ thống điều hành quản lý
toàn diện quy trình sản xuất thông minh, cung cấp cho doanh nghiệp cái
nhìn tổng thể về toàn bộ quá trình sản xuất. Với 3 module được tách ra
từ hệ thống SalesUp ERP (hệ thống quản lý tổng thể, gồm nhiều phân hệ
tích hợp và kết nối chặt chẽ với nhau, qua đó giúp doanh nghiệp quản lý
các hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả và toàn diện), tích
hợp thành một bộ giải pháp toàn diện cho nhà máy, SalesUp Smart Factory
có thể áp dụng cho tất cả các loại mô hình sản xuất phổ biến nhất hiện
nay và mang tới giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng
suất hoạt động, cải thiện chất lượng thành phẩm và tối ưu nguồn lực
triệt để.
Phần thảo luận tại hội thảo.
Chi
tiết về Techmart Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường
phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2024 vui lòng
liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM
Phòng Giao dịch Công nghệ
79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635;
Fax: (028) 3829 1957
Điện thoại di động: 093 941 3733 (gặp Thùy Vân)
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Thanh Nhã (CESTI)